Hầu hết hệ thống âm thanh trên xe hơi hiện nay chỉ đáp ứng đủ như cầu “nghe” chứ chưa thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ âm nhạc. Do đó, bạn cần có sự kết hợp hài hòa giữa công suất, amply, phân tần, hệ thống loa, đầu đọc... mới có thể có được dàn âm thanh ưng ý.
(AutoPro) - Để có âm thanh ưng ý thì ngoài loa, amply chất lượng tốt, còn có rất nhiều điều chúng ta cần lưu tâm. Đừng xem thường những chi tiết nhỏ, rất có thể vì chúng mà bộ âm thanh của bạn chỉ tốt cho việc ngắm!
Thời gian gần đây rộ lên phong trào độ âm thanh xe hơi. Ngoài đầu đọc, amply, dây tín hiệu... thì loa là bộ phận được giới chơi âm thanh chú trọng nhất. Hiện nay, những chiếc xe được độ với dàn loa "khủng", công suất cực lớn không còn là điều hiếm. Vậy với cách độ như vậy có thể tạo ra âm thanh hay?
Loa to chưa hẳn đã hay!
Bạn có thể chi ra cả chục nghìn USD để sắm hệ thống loa Infinity "khủng", công suất cực lớn cho chiếc Altis nhưng chừng đó rất có thể không cải thiện gì về mặt âm thanh, có chăng chỉ là đạt hiệu quả âm thanh to hơn khi vặn volume lớn hơn. Nguyên nhân là loa to chưa hẳn đã hay! Amply, đầu đọc, phân tần, dây tín hệu... cộng với cân chỉnh, cách bố trí hướng âm, không gian rộng hẹp của xe lúc này mới là vấn đề cần đi sâu.
Một chiếc Subwoofer hiệu Infinity
Cách bố trí loa như trên xe nguyên bản là một gợi ý chuẩn mực!
Nếu như nhu cầu của bạn thiên về chất âm thanh hơn là lượng thì cách bố trí loa như trên bản tiêu chuẩn xe bạn là một gợi ý chuẩn mực, vì cách bố trí này đã cho hiệu ứng âm thanh chuẩn với không gian sẵn có. Thông thường là 4 loa trung kích thước 13, 15 inch ở 4 cửa và 2 loa nhỏ vệ tinh 2 bên mặt táp lô. Lúc này bạn cần chú trọng thay thế chính những chiếc loa này với loại “xịn” hơn, sắm thêm subwoofer, amply ví dụ như: Alpine, Infinity, JBL... cùng dây tín hiệu và đầu đọc đủ chất.
Ngoài ra, với phương pháp này bạn có thể tránh được việc đục khoét các cánh cửa, tránh ảnh hưởng đến kết cấu xe, tránh được những thay đổi đột ngột điện áp, chịu tải lớn và cuối cùng là hệ cách âm của xe bạn không bị ảnh hưởng nhiều.
Không nên ham "độ chế" mà thay đổi kết cấu xe
Sử dụng loa subwoofer rời
Với những dòng xe lớn Crossover, SUV có không gian lớn thì việc bố trí loa càng phải có thiết kế, nghiên cứu vì âm thanh có thể loãng và bị triệt tiêu dễ dàng. Hiện tại có hàng loạt subwoofer mẫu mã khỏe đẹp, âm thanh ấn tượng, thuộc các nhãn hiệu có đẳng cấp như JBL, Nakamichi và Infinity. Chúng hầu hết được thiết kế kiểu thùng loa tích hợp ampli, gọn gàng và có nhiều phương án gá bắt chắc chắn trong xe.
Loại siêu trầm này đặc biệt thích hợp với dòng xe 7 chỗ (Captiva, Grandis, Hi-Lander...) vì chúng được thiết kế để có thể đặt lọt vào khe giữa lưng hàng thế thứ ba và cửa sau. Sử dụng kiểu loa rời sẽ giúp loại bỏ việc "chế cháo" của "thợ vườn" đôi khi có thể phá hỏng kết cấu cách âm hay tính năng âm học sẵn có của xe.
Sử dụng dây tín hiệu đúng quy chuẩn
Ngoài ra, chất lượng và quy cách đấu nối dây tín hiệu, dây nguồn có thể quyết định tới 10-15% chất lượng âm thanh của một hệ thống audio. Thông thường càng ít mấu nối càng tốt, dây mềm, làm từ kim loại nguyên chất (thường là bạc, đồng). Đừng tham giá rẻ với các loại dây dẫn chất lượng kém, đôi khi bạn có thể làm hỏng một hệ thống âm thanh tốt bằng loại dây giá rẻ. Một gợi ý cho các tên tuổi nổi tiếng về dây là Mavehike, Pyle Link.
Đặt loa trầm cách xa người nghe; dùng tụ chống nhiễu chuyên dùng
Việc đặt loa subwoofer cũng là điều quan trọng trong bố trí hệ thống. Thông thường, đặt càng xa tai người nghe càng tốt. Đối với những chiếc crossover, minivan, SUV có khoang cabin thông suốt thì nên đặt cụm subwoofer ở sau hàng ghế cuối. Trên ôtô, dàn âm thanh thường bị chi phối bởi các thiết bị điện, có tới hàng chục đầu dây đấu vào nguồn B+. Do vậy, thường xảy ra hiện tượng loa bị méo tiếng, nổ lục bục khi khởi động xe boặc bóp còi, thậm chí xuất hiện tiếng rít trong loa theo mức nhấn ga. Tình trạng này được xử lý bằng các tụ chống nhiễu chuyên dùng (Engine Noise Suppressor), lắp bổ sung trên đường dây tới nguồn B+.
Lưu ý việc gia tăng phụ tải
Về điện áp, việc lắp thêm các bộ phận âm thanh thường ngốn điện từ máy phát, sau đó đến ắc qui. Nếu không có biện pháp bù, hỗ trợ thì có thể dẫn đến ắc qui hỏng sau đó là máy phát “chết”. Gỉai pháp cho việc này thường là thay ắc qui lớn hơn, máy phát dòng lớn hơn hay tụ bù điện áp.
Sau cùng, trước khi quyết định độ âm thanh, người dùng nên hiểu rõ nhu cầu của mình: cải thiện về chất lượng, âm lượng hay chỉ là kiểu dáng. Sau đó, cần gặp nhà tư vấn và cuối cùng mới xác định kinh phí cho việc đầu tư.
Trên một số dòng xe cao cấp như Mercedes, BMW, Lexus… thì việc thay đổi nên hạn chế vì những mác xe này thường rất nhạy cảm với việc thay đổi dòng điện. Đã có nhiều trường hợp gây lỗi do nâng cấp hệ thống âm thanh và rất khó phát hiện do hệ thống điện khá phức tạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét