Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Xu hướng về công nghệ an toàn: Chống va chạm chủ động

Công nghệ chống va chạm đã được phát triển trong nhiều năm và sẽ đưa vào áp dụng trong các mẫu xe đời mới nhất nhằm chinh phục khách hàng với tính năng “vệ sĩ” của mình. Với tên gọi An toàn trong Thành phố, công nghệ này sẽ sớm trở thành thiết bị chuẩn của dòng xe Volvo XC60 sắp ra mắt vào tháng ba tới với giá 60.000 USD. Cùng một công nghệ, Ford gọi nó là Cảnh báo va đập đi kèm hỗ trợ phanh, sẽ được đưa vào dòng xe Ford Lincoln ra mắt năm 2009.

(AutoPro) - Vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu đối với xe dân dụng. Do đó công nghệ chống va chạm chủ động đang được các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm do khả năng giảm thiểu tai nạn cao.

Phương thức hoạt động:

Bản chất của công nghệ chống va chạm của Ford là sử dụng rada dò tìm những phương tiện di chuyển phía trước. Khi thấy có nguy cơ va chạm, hệ thống sẽ cảnh báo cho lái xe bằng một tiếng bíp và đèn báo đỏ nhấp nháy trên kính chắn gió. Hệ thống cũng tự động truyền tín hiệu đến phanh để giảm tốc độ xuống mức an toàn.

Các chuyên gia của Volvo thì sử dụng tia cực tím từ thiết bị gắn ở kính chắn gió hoặc dưới gương chiếu hậu để quét 8m đường phía trước xe. Nếu thấy một xe khác đang đỗ phía trước khi xe ở tốc độ dưới 15km/h, phanh sẽ hoạt động ngay lập tức và giữ khoảng cách nửa mét với xe đang đỗ. Với tốc độ trong khoảng 15km/h đến 30km/h, công nghệ này sẽ giúp tránh va đập hoặc giảm thiểu ảnh hưởng va đập. Nhưng khi bạn đi với tốc độ trên 30km/h, bạn phải tự lo liệu.

Tại sao nên sử dụng?

Theo dữ liệu về tại nạn và đụng xe tại Mỹ và châu Âu mà Volvo nghiên cứu, khoảng một phần ba vụ tai nạn ô tô là do đâm đầu vào đuôi xe khác và một nửa trong số này liên quan đến những xe đang đỗ.

Phần lớn những va chạm nối tiếp như vậy xảy ra khi phương tiện đang đi với tốc độ dưới 30km/h, đó là lý do Volvo đưa công nghệ vào áp dụng với những xe có tốc độ thấp.

Công nghệ chống va đập đặc biệt có ích đối với những người lái xe trong tình trạng mất tập trung hay đang buồn ngủ. Những hệ thống cảnh báo phía trước như thế này có thể giúp ngăn chặn được những va đập vào phía sau vốn xảy ra khoảng 2,3 triệu lần mỗi năm từ năm 2002 đến 2006, chiếm 40% tổng số vụ đâm xe mà cảnh sát thống kê được tại Mỹ.

Công nghệ này hiệu quả đến mức các công ty bảo hiểm của Mỹ sẵn sàng trả 20% chiết khấu bảo hiểm ô tô.

Điểm yếu:

Hệ thống này khá hữu dụng nhưng không phải là không có điểm yếu. Do hoạt động dựa trên việc phản chiếu của sơn và cửa kính ô tô phía trước, rất có thể hệ thống sẽ không thấy được những chiếc xe bẩn hoặc được phủ bọc nylon, giấy...vv. Thêm một lỗ hổng nữa là hệ thống này không thấy được người đi bộ; tuy nhiên, các chuyên gia đang nghiên cứu tìm ra các biện pháp khắc phục.

Mức độ đón nhận:

Công nghệ mới rất được quan tâm do trực tiếp giúp bảo vệ tính mạng và tài sản người tiêu dùng. Nhiều ý kiến ủng hộ, song không thiếu những hoài nghi.Quan chức Nhật Bản đặt ra lo ngại liệu nó có làm cho lái xe trở nên chủ quan không. Còn giới chức trách Mỹ tuy đặt nghi vấn về tính chủ quan của lái xe khi sử dụng công nghệ nhưng vẫn chấp nhận.

Trong một vài năm gần đây chúng ta đã thấy được sự thay đổi thái độ của mọi người về công nghệ an toàn. Người ta vốn không thích lơ là việc kiểm soát phương tiện của mình nhưng giờ đây họ lại muốn có một chiếc xe “tự lập” hơn. Công nghệ chống va đập chắc chắn sẽ trở nên phổ biến, điều gì bảo đảm an toàn cho con người, điều đó luôn được đón chào!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét